Trong phát triển phần mềm, việc ra mắt một sản phẩm hoặc tính năng mới luôn đi kèm với rủi ro. Luôn tồn tại sự
không chắc chắn về việc liệu người dùng có thấy sản phẩm của bạn hữu ích hay không, và nếu đầu tư quá nhiều thời gian và nguồn lực vào một sản phẩm đầy đủ tính năng mà chưa được kiểm chứng, bạn có thể phải trả giá bằng những sai lầm đắt đỏ.
Đó là lý do vì sao khái niệm Minimum Viable Product (MVP) ra đời.
Trong bài viết này, cùng True Skill Center khám phá vai trò của MVP trong quá trình xác định phạm vi dự án — cách MVP giúp giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm tài nguyên và đồng bộ hóa các nhóm theo cùng một mục tiêu nhé

.
1. MVP là gì?
MVP là phiên bản sản phẩm của bạn với chỉ những tính năng cần thiết để giải quyết vấn đề cốt lõi và mang lại giá trị cho nhóm người dùng mục tiêu. Điều này không có nghĩa là tạo ra một bản “sơ sài”, mà là tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất để kiểm chứng các giả định chính với người dùng thực tế.
Ví dụ: Nếu bạn đang xây dựng một ứng dụng gọi xe, MVP sẽ tập trung vào chức năng chính — kết nối tài xế với hành khách và hỗ trợ thanh toán. Những tính năng như chương trình khách hàng thân thiết, bộ lọc nâng cao hay yếu tố trò chơi hóa (gamification) có thể thêm vào sau, dựa trên phản hồi từ người dùng.
2. Vì sao MVP đóng vai trò quan trọng trong xác định phạm vi dự án?
- Giảm rủi ro, tiết kiệm tài nguyên: Ra mắt MVP giúp kiểm chứng nhu cầu thị trường trước khi đầu tư lớn. Nếu ý tưởng chưa phù hợp, có thể điều chỉnh sớm mà không lãng phí thời gian và nguồn lực. Việc tập trung vào tính năng cốt lõi cũng giúp dự án gọn nhẹ, tránh feature bloat.
- Kiểm chứng Product-Market Fit sớm: MVP cho phép thu thập phản hồi thực tế từ người dùng, giúp tinh chỉnh phạm vi dự án và phát triển các tính năng mang lại giá trị thực sự.
- Tăng khả năng ưu tiên và tập trung: Xác định MVP buộc bạn làm rõ giá trị cốt lõi, từ đó ưu tiên các tính năng thiết yếu và giữ đội ngũ tập trung, tránh lạc hướng bởi những “tính năng hay nhưng không cần thiết.”
3. Cách xác định MVP trong quá trình scoping
- Bắt đầu với Problem Statement: Làm rõ vấn đề người dùng đang gặp phải và cách sản phẩm của bạn giải quyết nó.
Ví dụ: “Người dùng cần tìm freelancer uy tín nhanh chóng. Sản phẩm giúp kết nối với freelancer được xác minh trong vài phút.”
- Xác định các tính năng cốt lõi: Liệt kê những tính năng tối thiểu nhưng vẫn đủ để giải quyết vấn đề. Ví dụ với freelance marketplace:Hồ sơ freelancer, Tìm kiếm, Thanh toán an toàn, Giao diện đăng việc
Hãy tránh cám dỗ thêm vào các tính năng như đánh giá, bộ lọc nâng cao hay gợi ý tự động. Chúng có thể làm sản phẩm hấp dẫn hơn, nhưng không cần thiết để kiểm chứng ý tưởng ban đầu.
- Ưu tiên theo giá trị: Sau khi có danh sách tính năng, hãy ưu tiên chúng theo giá trị mà chúng mang lại cho người dùng. Tính năng nào phải có để giải quyết vấn đề? Tính năng nào nên có nhưng không cấp thiết? Việc xếp hạng giúp bạn xác định đâu là phần cốt lõi cần đưa vào MVP và đâu là phần có thể triển khai sau.
- Lập kế hoạch phát triển theo vòng lặp (Iterative): MVP là bước đầu. Dựa vào phản hồi để cải tiến hoặc mở rộng. Roadmap nên linh hoạt để thích ứng với thực tế.
- Đo lường và đánh giá thành công: Xác định các chỉ số (metrics) rõ ràng để đánh giá sự thành công của MVP. Các chỉ số này có thể bao gồm: mức độ tương tác, tỷ lệ giữ chân người dùng, tỷ lệ chuyển đổi… Hãy chọn KPI phù hợp với mục tiêu kinh doanh. Theo dõi các chỉ số này sẽ giúp bạn biết MVP đang đi đúng hướng hay cần điều chỉnh.
4. Thách thức khi xác định MVP và cách vượt qua
- Scope Creep: Dễ bị cuốn vào việc thêm quá nhiều tính năng. Hãy kiên định với cốt lõi và nhấn mạnh rằng tính năng bổ sung có thể triển khai sau, dựa vào phản hồi.
- Tốc độ và chất lượng: Ra mắt nhanh là tốt, nhưng không được đánh đổi trải nghiệm. MVP nên đơn giản nhưng vẫn cần chỉn chu và được kiểm thử kỹ.
- Quản lý kỳ vọng: Stakeholder có thể kỳ vọng quá cao. Hãy làm rõ mục tiêu của MVP là kiểm chứng ý tưởng, không phải sản phẩm hoàn chỉnh.
KẾT LUẬN: MVP giúp xác định phạm vi hiệu quả, giảm rủi ro, tiết kiệm nguồn lực và tập trung vào giá trị cốt lõi. Khi được triển khai đúng cách, MVP là nền tảng vững chắc để xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của người dùng