Làm BA trong Fintech: Bí kíp để không chỉ là người ghi yêu cầu!
Cập nhật 11:23, 14/05/2025
1353 lượt xem
Admin
Fintech đang là “đỉnh của chóp” với ví điện tử, ngân hàng số, blockchain, crypto – cơ hội cho BA tụi mình đầy rẫy ngoài kia. Nhưng làm BA trong fintech không chỉ là ngồi viết BRD hay vẽ sơ đồ đâu nha. Muốn nổi bật, bạn cần vài “vũ khí bí mật” ngoài nghiệp vụ. Hôm nay, mình chia sẻ 5 bí kíp siêu thực tế, cộng thêm cách dùng AI để học fintech nhanh như chớp và lý do vì sao dân BA mê mẩn ngành này.
1. VÌ SAO BA MÊ LÀM TRONG FINTECH VÀ BANKING?
Trước khi đi vào bí kíp, bạn có bao giờ tự hỏi sao nhiều BA cứ nhắm tới fintech hay banking không? Không phải ngẫu nhiên đâu! Đây là vài lý do chính khiến dân BA “đổ” ngành này:
Cơ hội phát triển đỉnh cao: Fintech và banking là những ngành hot, luôn đổi mới với công nghệ như AI, blockchain, hay open banking. Làm BA ở đây, bạn được tiếp cận công nghệ xịn, học nhanh.
Lương bổng hấp dẫn: Ngành tài chính, đặc biệt fintech, thường trả lương cao hơn mặt bằng chung. Một BA mid-level ở fintech Việt Nam có thể kiếm từ 25-40 triệu/tháng, chưa kể thưởng dự án và thưởng cuối năm.
Tầm ảnh hưởng lớn: Làm BA trong fintech, bạn góp phần tạo ra sản phẩm thay đổi cách người ta dùng tiền – từ ví điện tử như Momo đến app ngân hàng số như Cake, CIMB. Cảm giác “đỉnh” lắm!
Môi trường năng động: Fintech và banking (nhất là ngân hàng số) thường có văn hóa trẻ, sáng tạo, và khuyến khích thử nghiệm. BA ở đây không chỉ làm việc bàn giấy mà còn được brainstorm ý tưởng mới.
Cầu cao, cung thấp: Nhu cầu BA hiểu cả nghiệp vụ lẫn tài chính đang tăng vọt, đặc biệt ở Việt Nam, nơi fintech bùng nổ. Tuy nhiên, việc tuyển dụng vào ngành này đòi hỏi yêu cầu cũng cao, có thể nói là khá kén người.
Bật mí nhỏ tí xíu là mình từng làm Outsourcing trước khi chuyển sang làm Banking cách đây vài năm.

2. HIỂU FINTECH NHƯ HIỂU CRUSH
Fintech là “hôn nhân” giữa tài chính và công nghệ. Nếu bạn chỉ rành nghiệp vụ mà mù tịt về mấy thứ như KYC (xác minh khách hàng), AML (chống rửa tiền), hay API Banking, thì dễ bị khách hàng “hỏi xoáy” đến toát mồ hôi!

Hiểu fintech là cách để bạn tự tin khi nói chuyện với sếp, Dev, hay đối tác.
Bí kíp là gì?
Tìm hiểu các thuật ngữ và quy trình: Nắm mấy khái niệm như thanh toán (payment gateway, SWIFT), tín dụng (credit scoring), hay quản lý rủi ro. Tìm hiểu các nghiệp vụ trong Fintech như với Banking thì flow chuyển tiền, mở sổ tiết kiệm hay một flow End2End vay tiền tín chấp như thế nào...
Trải nghiệm thật: Tải mấy app như Momo, Timo, hay ZaloPay về xài. Xem flow chuyển tiền, thanh toán ra sao, cái gì hay, cái gì dở.
Bắt trend: Blockchain, DeFi, hay open banking đang hot. Lướt TikTok hay LinkedIn, thấy bài về fintech là lưu lại!
Nhớ lần đầu lúc làm Fintech, mấy cái luồng vay tiền hay mấy hệ thống LOS gần như mù tịt. May mà chịu khó hỏi han hít hửi từ anh đồng nghiệp, không là “toang” từ vòng gửi xe!
3. “ĐÀO” DỮ LIỆU NHƯ DÂN DATA CHÍNH GỐC
Fintech chạy bằng dữ liệu. Từ phân tích thói quen khách hàng (ai hay quẹt thẻ lúc 2h sáng?) đến phát hiện gian lận, dữ liệu là “vàng” của ngành này. Là BA, bạn không chỉ ghi yêu cầu mà còn phải biết dữ liệu được dùng để làm gì, nếu không dễ bị Dev hay khách “bắt bài”. Lúc làm, có thể bạn làm cho đội Delivery hoặc đội Business. Dù là đội gì thì việc có kiến thức và biết dùng 1 số công cụ sẽ bổ trợ cho bạn về nghiệp vụ nghen.
Bí kíp là gì?
Học SQL tí thôi: Biết cách lấy dữ liệu kiểu “lọc giao dịch thất bại trong 3 ngày” là đủ khoe với team.
Nắm KPI xịn: Churn rate (khách bỏ app), ARPU (doanh thu mỗi người dùng), hay fraud rate (tỷ lệ gian lận) là mấy thứ bạn nghe hoài.
Chơi với BI tool: Power BI, Tableau, hay Google Data Studio giúp bạn vẽ chart đẹp lung linh, trình bày với sếp là auto duyệt! (Cũng có một số bank hoặc công ty Fintech họ có đội chuyên xử lý mấy tool này rồi, lúc đó bạn sẽ là người đọc báo cáo và dữ liệu, việc xử lý đã có người khác lo)
Mẹo: Tìm video “SQL for Beginners” trên YouTube để học.
4. LUẬT LỆ (COMPLIANCE) KHÔNG PHẢI ĐỂ SỢ, MÀ ĐỂ “CHƠI ĐẸP”
Fintech là ngành nhạy cảm, bị Ngân hàng Nhà nước “soi” kỹ. Từ KYC, AML đến bảo mật dữ liệu, sơ suất là “ăn đòn” ngay. Nếu bạn không biết gì về luật, yêu cầu viết ra có thể bị đội pháp chế “bật” lại, sửa tới sửa lui mệt nghỉ. Chưa kể việc đang làm 1 dự án bất kỳ, chỉ một công văn hay quy định nghị định từ chính phủ hoặc cơ quan ban ra là ngay lập tức bạn phải họp để "react" kịp với quy định, nghị định mới. Đơn cử như đợt nhà nước quy định về việc giao dịch trên 10 triệu phải được KYC bằng nhận diện khuôn mặt. Anh em trong bank chạy muốn "tuột quần" đợt đấy.
Bí kíp là gì?
Nắm luật cơ bản: KYC cần thu CMND/CCCD, AML cần kiểm tra nguồn tiền. Đơn giản nhưng quan trọng.
Hiểu bảo mật: Luật An ninh mạng Việt Nam hay GDPR (nếu làm với khách Tây) ảnh hưởng đến cách lưu dữ liệu.
Hỏi pháp chế sớm: Đừng đợi viết xong BRD mới hỏi, mất công sửa lại từ đầu.
Mẹo: Lướt web Ngân hàng Nhà nước, tìm mấy thông tư về fintech.
5. GIAO TIẾP KHÉO NHƯ “THẦY BÓI”
Trong fintech, bạn làm việc với cả “vũ trụ”: khách hàng, Dev, pháp chế, vận hành, thậm chí đối tác như Visa hay Mastercard. Mỗi người nói một ngôn ngữ, và BA là “phiên dịch viên” để ai cũng hiểu nhau. Giao tiếp khéo là cách tránh drama và được mọi người quý.
Bí kíp là gì?
Nói đúng kiểu: Với Dev, nói kỹ thuật (API, endpoint); với sếp, nói lợi ích (tăng doanh thu, giảm chi phí).
Chạy workshop chất: Làm sao để buổi họp yêu cầu vui như tiệc, ai cũng hăng hái đóng góp.

Xử lý drama: Khi pháp chế nói “không được”, khách nói “phải có”, bạn tìm cách dung hòa, kiểu “để mình đề xuất cách khác nha”.
Mẹo: Tìm hiểu và cố gắng master kĩ thuật "How to run a workshop" nha. Món này là cách bạn tỏa sáng với Sếp đấy. Kĩ năng mềm với mình giống như nhớt bôi trơn, còn kĩ năng cứng là động cơ. Làm BA yếu kĩ năng mềm giống như động cơ thiếu nhớt. Lúc đó đừng hỏi tại sao làm 10 năm rồi mà lương vẫn 20-30 củ. Cái gì cũng có cái giá của nó. Không phải cứ làm 10 năm nghề là tương đương 10 năm kinh nghiệm đâu. Một số người làm chỉ 5 năm còn hơn cả người 10 năm làm nghề mà cứ loay hoay công việc từ ngày này qua ngày khác không có gì cập nhật mới. Ăn thua vẫn là tư duy và cách tiếp cận công việc của mỗi người.
6. NGHĨ NHƯ “ÔNG CHỦ” SẢN PHẨM
Làm BA trong fintech không chỉ là người ghi yêu cầu, mà phải nghĩ như Product Owner. Khách hàng muốn sản phẩm không chỉ đúng, mà phải “wow”, đủ sức đánh bại đối thủ như GrabPay hay Revolut.
Bí kíp là gì?
Hiểu người dùng: Tìm hiểu đối tượng người dùng, là người dùng cuối hay khách hàng doanh nghiệp. Trực tiếp phỏng vấn họ để khai thác insight.
Đề xuất sáng tạo: Thay vì chỉ làm theo yêu cầu, gợi ý thêm tính năng khi cần thiết.
Soi đối thủ: Ngó dọc ngó nghiêng xem bọn đối thủ chung thị trường hoặc mấy thị trường khác tụi nó đang "mần cái chi chi". Để mà còn biết phòng bị, cạnh tranh.
7. DÙNG AI ĐỂ HỌC DOMAIN FINTECH NHANH NHƯ TÊN LỬA
Học fintech nghe “ngợp” vì nhiều khái niệm, luật lệ, công nghệ mới? Đừng lo, AI là “trợ thủ đắc lực” giúp bạn nắm domain này nhanh hơn bao giờ hết. Dưới đây là vài cách mình hay dùng AI để học fintech, bạn thử liền nha!
Bí kíp là gì?
Hỏi AI về khái niệm: Dùng ChatGPT, Grok..để hỏi mấy thứ như “KYC là gì? Làm sao áp dụng trong ví điện tử?”. AI giải thích dễ hiểu, có ví dụ cụ thể luôn. Bạn có thể bơm vào bối cảnh để yêu cầu nó dạy bạn Domain từ cơ bản đến nâng cao, từ các khái niệm đến chi tiết. Siêu hiệu quả nha, đáng gấp nhiều lần so với ngồi cà phê với ai đó luôn đấy.
Học qua bài tập thực tế: Yêu cầu AI tạo bài tập, như “Viết flow KYC cho app ngân hàng số”. Sau đó nhờ AI chấm bài, chỉ ra chỗ sai và cách cải thiện.
Tóm tắt tài liệu dài: Tìm báo cáo fintech (như của Ngân hàng Nhà nước hoặc PwC), rồi nhờ AI tóm tắt thành 3-5 ý chính. Tiết kiệm thời gian mà vẫn nắm nội dung quan trọng.
Mô phỏng phỏng vấn: Nhờ AI đóng vai khách hàng hoặc Dev, đặt câu hỏi về fintech (kiểu “Flow thanh toán quốc tế cần tuân thủ luật gì?”). Bạn trả lời, rồi AI góp ý để cải thiện.
Theo dõi xu hướng: Hỏi AI về tin tức fintech mới nhất, như “Fintech Việt Nam 2025 có gì hot?”. AI sẽ tổng hợp từ web, báo, giúp bạn bắt trend nhanh.
Mẹo: Chia sẻ 1 câu Prompt mình thường dùng để học Domain. Từ câu prompt này, bạn nhớ đào sâu vào chi tiết nhé. Đây chỉ là Prompt đầu tiên thôi.
"Bây giờ bạn là chuyên gia BA trong lĩnh vực Banking. Tôi sẽ dùng bạn để train domain Banking cho tôi. Để trở thành chuyên gia domain banking, tôi cần biết những loại thông tin gì. Hãy liệt kê ra để tôi có thể đào sâu hơn vào các kiến thức đó."
8. FINTECH LÀ SÂN CHƠI CỦA BA XỊN!
Làm BA trong fintech là cơ hội để bạn vừa “quẩy” với công nghệ đỉnh, vừa học cách tiền “chạy” trong xã hội, lại còn có cơ hội phát triển sự nghiệp siêu xịn. Nhưng để tỏa sáng, bạn cần hiểu fintech, rành dữ liệu, nắm luật, giao tiếp khéo, nghĩ như người làm sản phẩm, và tận dụng AI để học nhanh hơn. Nghe nhiều, nhưng cứ chill, làm tới đâu học tới đó!
Bạn đang làm BA trong fintech chưa? Có drama hay mẹo gì muốn chia sẻ không? Comment cho mình nghe nha!
Chúc bạn “quẩy” fintech thật chất và sớm thành BA “không phải dạng vừa”! 
P/s: Với những bạn chưa vào nghề BA/PO, mà lại muốn làm BA Fintech liền thì mình nghĩ khá challenge nha. Thay vì đi đường thẳng, có thể đi đường vòng là trở thành BA/PO trước cái đã, vào nghề vài năm rồi từ từ thực hiện mong muốn sau.
Good luck.
Lưu lại cùng True Skill Center để tìm hiểu nhé!
– – –
Xem thêm thông tin bổ ích miễn phí và tham gia cộng đồng True Skill tại: