...

Chọn Big Corp hay StartUp?

Cập nhật 14:54, 03/04/2025

1353 lượt xem

Admin

Chắc trong một số anh chị ở đây cũng từng rơi vào trường hợp đắn đo giữa các lựa chọn làm cho công ty lớn hay công ty khởi nghiệp. Đã vậy nhiều khi các cơ hội đó đến cùng lúc với nhau, có deal gần na ná như nhau khiến cho việc lựa chọn trở nên khó khăn hơn bội phần. Kể cả lúc đã xin tham vấn với bạn bè, anh chị đồng nghiệp rồi, cũng có quyết định của mình rồi mà mãi nhiều năm sau này vẫn đắn đo. Ngày ấy nếu mình chọn bên kia, không biết sự nghiệp mình bây giờ thế nào.
Cá nhân mình cũng từng từ chối một offer của một công ty khá có tiếng trong ngành công nghệ và lâu lâu cũng tự hỏi bản thân vì điều này. Sau này chiêm nghiệm và phân tích lại, mình thấy cần phải đưa ra một phân tích kĩ cũng như hiểu rõ cái mình cần ở từng giai đoạn để từ đó dẫu có đã chọn, thì cũng không cần phải nghĩ nhiều là mình đã chọn đúng hay chọn sai. Mình tin rằng mỗi giai đoạn, mỗi con người sẽ có các đặc điểm và sự mưu cầu riêng của họ.
1/ 22-24 tuổi: Giai đoạn khởi đầu – Nền tảng hay thử lửa?
- Ở tuổi này, Đặc điểm chung đó là mới ra trường, kinh nghiệm ít ỏi, tài chính tự lập, năng lượng dồi dào nhưng thiếu định hướng rõ ràng. Anh chị em ở tuổi này thường háo hức, muốn chứng minh bản thân, nhưng cũng dễ hoang mang vì chưa biết mình mạnh yếu ở đâu. Mình cho rằng trong giai đoạn này, cái quan trọng nhất không phải là "Lương" mà là "kinh nghiệm", "Kiến thức" và "phương pháp".
- Vậy nên nếu bạn chọn Big Corp có thể mặt bằng lương sẽ nhỉnh hơn một chút. Một số Big Corp sẽ có cả chương trình Thực Tập Sinh Tài Năng. Đây là một lựa chọn không tồi vì các chương trình này sẽ bao gồm các việc đào tạo bài bản bởi các anh chị đội ngũ có chuyên môn cao nội bộ, thực tế với công việc sắp tới sẽ làm. Bị một cái là áp lực cũng rất lớn, tỷ lệ chọi khá cao, phải cạnh tranh với cả các đồng nghiệp vào chung với mình. Nhiều khi một chương trình 300 bạn cuối cùng chỉ giữ lại 5-10 bạn. Tất nhiên, công ty cũng có lợi vì họ tận dụng các sự kiện này để làm truyền thông tiếp thị luôn chứ không phải chỉ dành cho việc tuyển dụng tài năng.
- Lưu ý là không phải Big Corp nào cũng có chương trình thực tập sinh nhé cả nhà. Cái này tùy chiến lược của mỗi Big Corp. Có công ty có chiến lược sử dụng lao động xịn, nhận vào là làm ngay, trả lương và phúc lợi cao ngất ngưỡng với tiêu chí đơn giản: Vào là xài luôn. Có công ty lại đi theo hướng phát triển bền vững, lấy thế hệ trước đào tạo thế hệ tiếp theo. Tận dụng tối đa các nguồn lực, tạo dựng văn hóa đào tạo và cống hiến.
- Một ưu điểm lớn khi làm Big Corp đó là chuyên nghiệp, quy trình bài bản, vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân được xác định rõ. Vậy nên nếu bạn vào Big Corp giai đoạn này, bạn sẽ học được các thứ này. Tất nhiên bạn phải chủ tâm đến việc học các thứ này nha bao gồm cách làm việc, quy trình giữa các phòng ban, chuyên môn nghề.
- Nhược điểm của Big Corp đó là bạn tác vụ của bạn đóng góp cho doanh nghiệp không lớn và không đáng kể. Nhiều khi làm ở đây cả nửa năm đến một năm rồi, nhưng các anh chị vẫn chưa biết mình là ai hay làm cho team nào. Chuyện này dẫn đến tâm lý và động lực bị xói mòn dần theo thời gian. Năng lượng thì nhiều, hỏi thì hay bị thờ ơ do các anh chị lớn khá bận rộn. Có lúc còn cảm thấy lạc lõng giữa guồng máy.
- Thế còn ở thế giới song song thì sao? Ngày đó nếu mình chọn công ty Startup sẽ như thế nào?
Đầu tiên, vì là công ty Startup vậy nên các công ty sẽ thường ở giai đoạn hỗn loạn trong những năm đầu tiên. Sự thích ứng nhanh sẽ được ưu tiên lên hàng đầu thay vì xác định rõ trách nhiệm sẽ thuộc về ai hay quy trình này ai là người làm. Vậy nên, bạn và những người khác lao đầu vào làm chung với các sếp. Làm đủ mọi việc dù ban đầu trong JD không có nói là hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Nhưng mà tối nay, sếp kêu mình ở lại tăng ca giúp sếp hỗ trợ anh khách hàng, mãi tới 9h tối mới xong. Vậy đó, cuộc sống của bạn sẽ vội vã hơn, bạn cảm thấy cái quái gì bạn cũng làm, kể cả mấy việc linh tinh. Đôi khi có cảm giác, mình bị tuyển vào đây để làm việc vặt. Mà trong này, ai cũng bận, cũng chả có ai training bài bản gì cho mình cả. Mới ngày đầu, sếp đã nhét cho cả đống việc để mần rồi. Thì đó, bạn được làm với mức lương không cao. Có lúc còn cảm giác đang bị "bào quá mức" với những lời hứa thề non hẹn biển của các sếp kiểu như "Chú mày ráng làm, sau này công ty sẽ đãi ngộ tốt". Tất nhiên với kinh nghiệm của mình thì tốt nhất đừng có tin hay kì vọng chi mấy lời hứa kiểu này.
Đó là "hình thức" của các sếp để thực hành kĩ năng "động viên" nhằm đạt được "mục tiêu và hiệu suất" trong hoạt động quản trị doanh nghiệp và nguồn lực thôi. Cũng có công ty tuyển và sử dụng bạn sau trong vòng từ 1-6 tháng với vai trò thực tập hoặc Fresher (Có thể ký hợp đồng 1-6 tháng thử việc hoặc không có hợp đồng). Hết hợp đồng, họ loại hết và tuyển thêm 1 lứa mới. Làm cách này họ tận dụng được một nguồn lực lao động giá "Siêu rẻ". Rẻ còn hơn cả đi chạy Grab. Thử làm phép toán đơn giản thế này nhé. Lương phổ biến cho thực tập sinh hiện tại đang là 3 triệu. Với 22 ngày làm việc trong tháng tương đương 176 giờ. Vị chi 1 giờ là 17k. Đây là vài trường hợp đang diễn ra ngoài kia. Nhưng nếu bạn không làm, đồng nghĩa với việc kinh nghiệm bằng Không. Vậy nên kinh nghiệm là thứ chúng ta phải trải qua đau khổ và nhẫn nại mà có được. Làm cho startup bạn sẽ đa nhiệm hơn, thích ứng nhanh hơn. Kinh nghiệm được xây dựng từ việc thử sai rồi làm lại rồi học rồi sửa sai. Cái này lặp đi lặp lại liên tục. Giai đoạn này cũng là khó chịu nhất của đời người. Vừa rẻ vừa kém an toàn. Cảm giác như tờ giấy trắng mỏng manh. Gió xuôi chiều nào thì xuôi chiều nấy.
2/ 30-35 tuổi: Giữa sự nghiệp – Ổn định hay đột phá?
Đến 30, mình đã có 5-10 năm kinh nghiệm, kỹ năng vững, nhưng áp lực mới xuất hiện: gia đình, tài chính dài hạn. Big Corp lúc này là "lựa chọn an toàn": lương quản lý có thể lên 30-80 triệu/tháng, thưởng cổ phiếu hậu hĩnh, và quy trình rõ ràng giúp mình dẫn dắt đội ngũ mà không phải lo hậu cần. Giai đoạn này con người ta hay cảm thấy hài lòng với sự cân bằng công việc - cuộc sống. Nhưng cái dở là gì? Quy trình quan liêu có thể làm bạn ngộp, sáng tạo bị bó hẹp – một đề xuất ý tưởng mới mà chờ duyệt có thể mất 3 tháng, drama và các câu chuyện chính trị thì tràn ngập, phe phái đấu đá lẫn nhau. Bạn cũng dần nhận ra ai là nịnh thần, công thần và chiến thần! Startup thì khác, nó là cơ hội để bạn bứt phá. Các ý tưởng hay dự án được triển khai nhanh chóng, bạn có nhiều đất để "diễn hơn", cũng đội nhiều chiếc nón với nhiều vai trò hơn. Nhưng. Cái gì cũng có cái Nhưng cả. Đổi lại, áp lực khủng khiếp: làm 12-14 tiếng/ngày, rủi ro thất bại cao (70% startup không sống qua năm thứ 5).
Mình nghĩ ở giai đoạn này, bạn cần phải nhận ra bạn thuộc nhóm người nào. Kẻ ưa mạo hiểm hay chậm mà chắc. Đặc điểm tính cách của bạn là gì sẽ quyết định kết quả lựa chọn của bạn. Mình nghĩ hôn nhân và gia đình cũng sẽ có tác động đáng kể. Kiểu như nếu bạn vừa có em bé, bạn đang là trụ cột kinh tế trong nhà. Big corp là lựa chọn phù hợp. Ngược lại, nếu bạn thích thử thách giới hạn của bản thân cũng như có tham vọng làm chủ trong tương lai, môi trường Startup rất có nhiều thứ để bạn thử và học hỏi.
3/ 36-40 tuổi: Chín muồi sự nghiệp – Tích lũy hay di sản?
Sang 36, bạn đã ở đỉnh cao kỹ năng, nhưng mục tiêu đổi khác: tài chính cho con cái, nghỉ hưu, hoặc để lại thứ gì đó cho đời. Big Corp là lựa chọn lý trí: vị trí cấp cao (C level) có thể mang về thu nhập cao, cộng thêm phúc lợi như nghỉ phép dài hạn.
Thống kê cho thấy 85% người ở tuổi này trong Big Tech cảm thấy hài lòng với thu nhập và sự cân bằng. Tất nhiên thì không phải ai ở độ tuổi này cũng làm những level cao, có một số người không thích lên level cao, một số thì cố mãi nhưng không được, một số thì an phận với công việc hiện tại từ trước tới giờ. Tầm này thì nhược điểm là động lực giảm – công việc đôi khi lặp lại, thiếu thách thức.
Một số người trong network có thể rủ bạn cùng làm Startup chung với họ trong giai đoạn này. Họ cần kinh nghiệm và chuyên môn của bạn. Một số cơ hội trong đó còn rủ bạn làm chủ chia sẻ trách nhiệm chung nữa. Nhưng bạn thân mến, làm công ăn lương và làm chủ khác nhau một trời một vực. Chẳng may thất bại, toàn bộ vốn liếng tích trữ của bạn trước đến giờ bay trong 1 nốt nhạc, cân nhắc kĩ trước khi quyết định. Còn nếu bạn đang làm việc cho một công ty startup giai đoạn này thì ưu điểm là bạn như được "tái sinh" lại lần nữa. Bận rộn, áp lực, quản lý đội nhóm. Nhưng nếu bạn nói trong 5 năm vừa rồi, bạn làm 3 công ty Startup thì mình cũng không lấy làm ngạc nhiên. Dù độ tuổi mưu cầu sự ổn định, nhưng tổ chức bạn làm có thể chưa ổn định. Có khi họ đóng cửa hoặc layoff. Bạn tiếp tục đi tìm công ty tiếp theo.
Hôm qua mình vừa kết thúc chuyến đi Trip của các anh em thuộc nhiều thế hệ từ 8x 9x và GenZ. Chia sẻ những câu chuyện và những dự định tiếp theo suốt chuyến đi. Tình cờ mình nghe được câu chuyện một người anh quen biết trong ngành Tech, năm nay 45 tuổi vừa nhận Job làm quản lý cho một công ty Tech. Ngạc nhiên nhất là anh chấp nhận qua Hàn làm 2 năm, dù anh không có vốn tiếng Hàn nào lận lưng. Một cái Wow thật sự với mình. Bỏ lại gia đình, bạn bè để qua một đất nước xa lạ ở tầm tuổi này là một hành trình đáng ngưỡng mộ.
- Tóm lại: qua 3 giai đoạn, mình thấy rõ là 22-24 tuổi cần Big Tech để xây nền, 30-35 tuổi cân nhắc giữa ổn định và đột phá, 36-40 tuổi ưu tiên tích lũy nhưng vẫn có chỗ cho đam mê. Anh chị em phải tự hỏi: "Mình muốn gì? Mình chịu được gì?" . Đừng sợ chọn, vì như Elon Musk từng nói: "When something is important enough, you do it even if the odds are not in your favor." Hãy phân tích kỹ, nhưng khi đã chọn, hãy đi hết mình – con đường nào cũng có ánh sáng nếu anh em dám bước! Khi chọn thì dùng lý trí, lúc làm thì bằng cả con tim.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TÌM HIỂU VỀ TÀI LIỆU PRODUCT REQUIREMENTS DOCUMENT (PRD)

Trong quá trình phát triển sản phẩm, việc đảm bảo tất cả các bên liên quan đều hiểu rõ về mục tiêu, tính năng và cách thức hoạt động của sản phẩm là điều vô cùng quan trọng.PRD không chỉ giúp Product Manager truyền đạt rõ ràng ý tưởng sản phẩm mà còn là kim chỉ nam để các nhóm kỹ thuật và kinh doanh có thể phát triển, triển khai và tiếp thị sản phẩm hiệu quả. Hãy cùng True Skill Center tìm hiểu về loại tài liệu này thông qua bài viết bên dưới

5 Kỹ Năng Cần Có Để Trở Thành Một Product Owner Xuất Sắc

Trong ngành IT, vai trò của một Product Owner không chỉ dừng lại ở việc viết user stories hay quản lý backlog đơn thuần, một Product Owner xuất sắc chính là người cùng đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho sản phẩm xuyên suốt từ giai đoạn ý tưởng ban đầu cho đến khi sản phẩm được triển khai ra thị trường. Cùng True Skill Center tìm hiểu 5 kỹ năng mà bất kỳ Product Owner nào cũng nên có và trau dồi bên dưới nhé!

TẤT TẦN TẬT “USER RESEARCH” (PHẦN 2)

Trong thế giới sản phẩm số, một ý tưởng hay chưa đủ để tạo nên thành công. Điều quan trọng là sản phẩm của bạn có thực sự phù hợp với End User hay không.

ITBA

TẤT TẦN TẬT “USER RESEARCH” (PHẦN 1)

Nghiên cứu người dùng trong Product Management đề cập đến quá trình có hệ thống thu thập và phân tích thông tin về người dùng của một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Đăng kí nhận tư vấn

Hãy nhập ngay email của bạn vào form bên dưới để được nhận tư vấn trực tiếp từ trung tâm.