...

CÂU CHUYỆN BẺ LÁI TỪ BA OUTSOURCING SANG PRODUCT OWNER

Cập nhật 18:54, 02/03/2024

1353 lượt xem

Admin

- Đầu tiên là cần phân biệt các loại PO đang có ở Việt Nam, bao gồm PO Delivery, PO Business và PO Business + Delivery (Từ A tới Á). Trong đó việc chuyển đổi từ BA sang PO Delivery là dễ nhất vì đều là "Nhận yêu cầu, nghĩ giải pháp, thực thi sau đó bàn giao" trong đó chỉ cần nắm được domain là có thể làm tốt. Còn 2 PO còn lại thì đòi hỏi tư duy về thị trường, research customer insight, xác định pain point, nghiên cứu đối thủ, UI/UX, Product analytic.
- Riêng đối với PO business và PO toàn diện, trước khi chuyển đổi từ BA qua phải Brainwashing lại bản thân (Tẩy não toàn bộ tư duy gia công) vì các bạn làm BA 1 thời gian sẽ "bị" cái này vào lối mòn tư duy mà ko biết. Mục tiêu lúc nào cũng là tìm hiểu business problem, nghĩ giải pháp rồi bàn giao. Xong chuyện. Nhưng nếu làm PO thì chưa đủ, bạn cần phải hiểu thị trường, hiểu đối tượng mục tiêu, khơi gợi cảm xúc của họ (Insight thật sự của họ). Những cái này khi làm BA ít khi động vào. Từ tư duy của Gia công lúc này phải chuyển đổi thành tư duy Ownership, tư duy làm chủ sản phẩm. Tính sở hữu sẽ thúc đẩy trách nhiệm, chính trách nhiệm sẽ thúc đẩy hành vi và mối quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng đến việc Tạo Tác ra sản phẩm. Anh bạn BA truyền thống thì ko có tính sỡ hữu này.
- Về việc trang bị thì sẽ có 1 số bạn bị cuốn vào lối suy nghĩ là chỉ cần học kinh tế, có background kinh tế thì làm được. Xin thưa nói thẳng thắn ra là Không nhé. Những gì các bạn học kinh tế ở các trường đại học chỉ là kiến thức cơ bản như kinh tế vi mô, vĩ mô, marketing căn bản..bla bla..thiếu tính thực dụng. Để làm Product thị trường, bạn cần nghiên cứu sâu vào hành vi, cảm xúc, xu hướng, chính sách của quốc gia, sự phát triển đổi mới công nghệ, kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực (Domain). Mấy cái này muốn làm thì tự học hoặc tìm chỗ học, chứ cầm cái bằng kinh tế ra chưa chắc làm được đâu. Vậy nên đừng ngại nếu bạn ko có background kinh tế vì kể cả bạn có background kinh tế chưa chắc có thể tạo ra được 1 sản phẩm nào đó mà thị trường cần.
- Trang bị đầu tiên là đọc sách, có một quyển rất hay dù nó hơi khó đọc một chút đó là quyển "Khởi nghiệp tinh gọn" và quyển Cách tạo ra một sản phẩm khiến người ta thích. Hơi khó đọc vì nó ko dành cho tất cả mn. Nó thiên về nguồn cội của kinh tế, cách người ta nghĩ về nhu cầu thị trường rồi tạo ra sản phẩm thị trường cần như thế nào. Quyền khởi nghiệp tinh gọn thì khá hay ở tư duy về MVP. Mấy cái này thì làm BA ít động vào nên cũng cần bổ sung. Mình có Ebook 2 quyển này, bạn nào cần thì comment mình share.
- Một thiếu xót thứ hai về mặt tư duy của dân BA outource (Không quơ đũa cả nắm nhưng trước khi phản ứng, bạn thử bình tâm đọc kĩ và khách quan đánh giá xem mình nói đúng không nhé). Đó là BA thường chỉ nhận toán rồi giải toán theo yêu cầu, như khách hàng yêu cầu làm A thì làm A, làm B thì làm B, phòng kinh doanh kêu làm C thì làm C. Mấy ai chịu tìm hiểu sao họ muốn làm A làm B. Một phần vì không đủ thời gian, một phần vì làm lâu rồi nên lười, chả muốn biết sao bọn nó muốn vậy. Nhiều khi do Sếp muốn mình làm thì mình làm vì tin tưởng hoàn toàn vào sếp, cố gắng release kịp tiến độ và đạt chất lượng là đạt yêu cầu. Lại còn được sếp khen và trọng dụng thì việc quái gì phải đi hỏi WHY? Tại sao sếp làm vậy, tại sao sếp muốn vậy, tại sao khách hàng muốn vậy. Và cũng chính vì cái này bạn sẽ ko làm được PO Business hoặc PO toàn diện vì bây giờ bạn cần đi tìm hiểu WHY rất là nhiều, rồi sau đó mới tới How.
- Một điều nữa, Ông BA trước giờ đết quan tâm đến Vision với strategy là cái vẹo gì. Nói thẳng ra là vậy. Ai ko đồng ý cứ vào đây phản biện. Tiếp luôn tới chiều tối. Giải thích tại sao lại nói vậy là vì bản chất công ty gia công, như một cỗ mấy thi công, trong đó tổ chức này bao gồm những con người có tư duy phục vụ khách hàng, làm hài lòng họ, giải quyết vde của họ nhằm kiếm thù lao và lợi nhuận. Vậy nên Vision và strategy của khách hàng quan tâm làm đết gì đâu, nghe cho biết vậy thôi. Nhưng mà, lúc làm Product thì khác nha các bạn. Vision là định vị và tầm nhìn về sản phẩm của bạn và nó cần match với vision của doanh nghiệp bạn đang làm. Việc đầu tiên là bạn cần hiểu Vision của doanh nghiệp của bạn là gì cái đã, hiểu xong rồi tự hào, tự hào thì mới nóng người lên mới đi làm cái sản phẩm match với cái vision mà lại giải quyết vde của tệp mà doanh nghiệp đang hướng đến, cái lý tưởng mà doanh nghiệp họ muốn kiến tạo ra cái tương lai trong đó người dùng họ sẽ được gì (Đọc tới đây, mn quay ra search từ khóa What is Grab Vision sẽ hiểu mình đang đề cập đến cái gì). Cái tiếp theo, strategy (Chiến lược) cái này còn khó nhằn hơn cả cái ông nội vision. Cái này thẳng thắn ra là mấy "Chiêu trò" để bạn tạo ra được sản phẩm thị trường cần, chiêu trò để bạn bán được sản phẩm, chiêu trò để bạn thúc cho đối thủ vài cùi trỏ vào mặt. Mà xin thưa, học cái gì ở trường đại học để có mấy chiêu trò này đây. Mà mấy cái chiêu trò này nó mới thực tế, phải hiểu và vận dụng tốt không thôi kể cả sản phẩm bạn tốt cách mấy bán ra cũng không ai mua vì nhiều khi kênh bạn bán không phù hợp. Nói đơn giản nó như có một cty bán nệm họ có chính sách cho khách hàng nằm ngủ thử 45 ngày gì đấy, không ưng thì trả lại. Đấy, đó là một dạng Chiến lược kinh doanh đấy. Mang cái nệm 2 mét về nằm ngủ gần 2 tháng trời thì ai đâu mà đi trả lại. Cuối cùng người ta vẫn bán được hàng, tiền thì đã thu của khách rồi, chưa kể lấy cái nệm 2 met về nhà nằm ngủ ko làm nó dơ không làm nó cũ không làm nó biến dạng à. Mà biến dạng thì đâu có đủ điều kiện mà trả lại sản phẩm. Vậy đó, mấy cái chiến lược này dân làm Product cũng cần phải có. Tất nhiên lúc làm việc thì có cả đội ngũ cùng làm, cùng động não với nhau, phản biện với nhau. Nhưng mà phải có thì mới làm được.
- Rồi cái này mới quan trọng nè, Tiền. Hồi làm BA chỉ thấy tiền qua lương hàng tháng thôi. có động gì vào số liệu, doanh thu, tài chính gì đâu. Nhưng mà làm PO mà có động vào business thì phải ra Số nha. Làm tính năng này tính năng nọ đến cuối cùng là Bullshit nếu ko tạo ra được Số. Số là cái tồn tại duy nhất, còn những thứ khác, có hay ko có không quan trọng. Múa may quay cuồng với UI rồi UX rồi cuối cùng user có 50 người thì dự án cũng đóng cửa. Đừng bi quan. Kể cả các công ty lớn như Google, Facebook. Họ vẫn từng tạo ra những sản phẩm bullshit rồi cuối cùng dẹp dự án. Vì cơ bản, tất cả các sản phẩm làm ra chỉ là những phép thử để thử nghiệm thị trường vào thời điểm ấy. Lúc thị trường biến thiên, sản phẩm không còn phù hợp nữa (Market fit) thì lại tạo ra sản phẩm khác. Ăn thua là doanh nghiệp đủ tiền để tạo ra nhiều phép thử không thôi, startup chết mỗi ngày vì hết tiền. Mà lúc làm BA, bạn quan tâm gì đâu tới tiền. Bạn chỉ nghĩ đến ngày 30 hàng tháng bạn lĩnh lương, hết! Vậy nên có tư duy về Business tức là ám ảnh cách tạo ra sản phẩm hút được người dùng vào sử dụng để tạo ra doanh thu.
- Rồi còn cái này cũng ghê gớm khôn lường, mình hay gọi vui là Cỗ máy in tiền của doanh nghiệp Product. Đó là Mô hình kinh doanh. Trước giờ bạn đọc báo nhiều chắc nghe đến B2B, rồi C2C, rồi B2C, rồi SAAS, rồi on demand, rồi subcription..bla bla.. nghe thôi chớ cũng ít quan tâm đúng ko? Làm Product thì quan tâm đi. Bạn chắc có xài Shopee, lazada đúng không? Thử cầm cây viết vẽ lại nguyên mô hình kinh doanh của bọn này và cách bọn này kiếm tiền xem. Hơi khó rồi đúng ko? Vì đó giờ bạn chỉ quay quần với khách hàng trong nước và nước ngoài. Rồi bạn là người dùng của shopee chớ có phải nhân viên của shopee đâu mà biết. Cái lời giải thích này nó sẽ cản đường bạn làm dân Product. Có nhớ mấy cmt trước đó mình đề cập đến nghiên cứu thị trường ko? Bạn phải hiểu thị trường thì mới làm product cho thị trường được. Vậy nên, phải hiểu cái nguyên lý kiếm tiền của người ta thì mới tạo ra sản phẩm mà có người mua chớ. Rồi cho thêm cái bài tập thứ hai khó hơn chút nè, xem thử cái bọn Tesla nó kiếm tiền bằng cách nào. Đọc tới đây đừng có quạo nha, kiểu tự nhiên đang nói chuyện về product, về software tự nhiên nhảy qua xe hơi, có vẻ tào lao. Ờ khoan, đọc tiếp cái ý tiếp theo rồi có quạo cũng không muộn.
- Thì về bản chất, do làm lâu trong ngành IT, bạn bị Software nó "gây lú" cho bạn lúc nào không hay. Nó khiến bạn cho rằng Software là duy nhất, là cái quan trọng cần làm. Thỉnh thoảng có những suy nghĩ Sao người ta không build cái app để ông này lên mua sp này, hay là chị kia đặt cho tiện nhỉ? Đó, bệnh đó. Bệnh "Nghĩ ra giải pháp" đầu tiên, mà nguyên căn từ việc làm Gia công quá lâu đó. Thế mình hỏi bạn, pain point của ông kia là cái gì? Tệp mục tiêu là ai? Có đối thủ nào hay chưa? Cách kiếm tiền như thế nào? Tầm nhìn của sản phẩm ra làm sao? Ôi sao lắm thế, mới chỉ nghĩ cho vui thôi mà. Ờ khuyên thật là anh em làm outsource mà có ý định làm product, nếu nghĩ vui thôi thì cứ để vậy cho vui, chớ còn muốn làm thật mà cứ cảm tính lấy cái chủ quan rồi áp đặt thì tạo ra sản phẩm cho mình xài chứ không phải thị trường cần. Vậy nên chung quy lại, mobile app hay web app là công cụ thôi, mình nghĩ về nó cuối cùng. Đầu tiên nghĩ về vấn đề của khách hàng mục tiêu á. Mà dân làm outsource toàn làm ngược lại. Vậy nên mới có chuyện một số anh chị làm outsource 1 thời gian, tích lũy được số vốn vài tỉ hùn hạp với nhau làm do có lợi thế về team, kinh nghiệm develop sau đó build sản phẩm rồi cuối cùng ko ai mua, cty phá sản, anh em ly tán, founder thì cãi cọ rồi chia tay ko nhìn mặt nhau. Cái chung quy cũng từ câu chuyện chuyển đổi gia công sang product. Không phải ai cũng như ông Mark tạo ra Facebook xuất phát điểm là Dev đâu. Xin thưa là do Fb khai sinh từ lòng nước Mỹ, cái nôi công nghệ và những kẻ lắm tiền xung quanh. Sẵn lòng vào chơi cuộc chơi rủi ro nhưng lợi nhuận lớn. Vậy nên giải pháp công nghệ là tốt nhưng mà chưa đủ để làm sản phẩm thị trường. Sản phẩm chỉ là công cụ, bán cái gì trên đó cũng là công cụ, bạn bán cái quần sịp hay ổ bánh mì cũng được. Miễn là tạo ra tiền. Cái mô hình kinh doanh nó mới là cái cốt lõi. Còn công nghệ là công cụ hỗ trợ để đạt được mục đích. Nên nếu bạn đang có suy nghĩ app mới là chân ái thì bỏ đi. Quay về lại bản chất. Tại sao cần làm cái app này? Không làm cái này thì làm cái khác được không?
-  Một cái nữa cũng quan trọng. Ở Việt Nam hay gom vào 1 là UI/UX. Mà thật ra nên tách nó ra nghen. UI là UI còn UX là UX. Nó gần mà nó cũng xa. Và thật ra khi làm BA, cái bạn hay làm vẫn là UI chứ không phải UX. Vì sao lại có cái chuyện đó. Để mình hỏi bạn, thử ngó lại xem trong cty outsource của bạn. Có tuyển một cái đội nào chuyên nghiên cứu UX không? Eh đừng có gom cái bạn Designer UI/UX vào rồi nói có nha. Bậy nha. Không có ý xúc phạm nghề nghiệp, nhưng những bạn ngồi vẽ Figma là UI Designer, không phải UX research nhé. Để tiện phân biệt mình cho một cái ví dụ thế này. Chắc trong đây, mọi người đều dùng qua dịch vụ đặt xe của Xanh SM rồi nhỉ. Vậy thì UI là cái bạn nhìn thấy lúc bạn mở app lên giao diện như thế nào, bấm vào chỗ này chỗ kia thì đặt được xe. Còn UX là gì? Nó bao gồm cả cái trải nghiệm như bạn đặt xe mất mấy phút kể từ lúc quyết định đặt xe, bao lâu thì tài xế đến (Có bị lâu hay là nhanh), tài xế ăn mặc lịch sự chào bạn, bạn có thấy được tôn trọng vui vẻ không, cách người ta chạy bạn có cảm thấy an toàn không? Ngồi trên xe có êm ái không, có mùi lạ không, đội mũ bảo hiểm có sạch sẽ không, tới nơi tài xế có cảm ơn không. Thì tất tần tật mấy cái phía trên, nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng chứ không phải chỉ có lúc dùng cái app. Như nãy ở trên mình có nói, lúc này cái product thật sự là dịch vụ đưa đón, còn app XSM là công cụ, nó chỉ là một phần của product. Mà lúc bạn làm BA cho cty gia công, bạn quan tâm gì đến cái trải nghiệm này đâu. Xong dự án bạn bàn giao rồi nghiệm thu là ông sếp lật đật kéo bạn vào dự án khác để kiếm tiền tiếp rồi, có cho bạn rảnh tay ngồi nghĩ đến trải nghiệm của khách hàng đâu mà bạn giỏi UX. Nhưng mà lúc bạn làm Product, chỉ có một khách hàng xuyên suốt từ lúc bạn vào làm tới lúc bạn nghĩ thôi. Nên bạn có thời gian để nghĩ, để chăm sóc, để điều chỉnh cho phù hợp. Bạn thử so sánh trải nghiệm lúc bạn đặt xe Be và Xanh SM là sẽ hiểu câu nói UX có quan trọng không?
- Rồi còn cái này nữa mà anh em làm xong thì thường sẽ quất ngựa truy phong thôi. Có mấy ai đo lường dự án của anh em đã thành công. À ý mình là đo lường theo các tiêu chí là có giải quyết vde của doanh nghiệp, có cải tiến được hiệu suất không, có mang lại doanh thu hay giảm loss cho khách hàng không? Chắc là không đúng hông, cái bạn quan tâm thường là có đúng tiến độ không, có đạt chất lượng ko và rồi cuối cùng là khách hàng có nghiệm thu ko? Nếu ko nghiệm thu thì giờ làm gì để khách nghiệm thu. Vậy đó, nghe quen không? Nhưng mà làm Product thị trường, bạn tạo ra sản phẩm, tống ra thị trường cho người ta xài. Thì bạn phải đo lường, dù bạn có nhận 10 cái nghiệm thu gật đầu từ đội nội bộ mà cuối cùng sản phẩm bán không ai dùng, hoặc dùng xong thì quit rồi gỡ app thì có còn ý nghĩa gì đâu. Vậy thì bạn cần phải theo dõi các chỉ số, xem thử sức khỏe thằng đệ mình mỗi ngày mỗi giờ. Nó tăng cái gì nó giảm cái gì. Ae phải nắm hết. Y như cái ông phi công ngồi trong buồng lái, trước mắt ổng là cơ số cái đồng hồ để thông báo các chỉ số để ổng đánh giá sự an toàn, rủi ro, tình hình sức khỏe của nguyên hành trình và cả chuyến bay để ổng kịp thời điều chỉnh. Đó, làm Product thì phải như cái ông phi công đó, tạo ra sản phẩm xong thì chưa gọi là xong đâu nha. Xong là tới ngày bạn rời khỏi nhân gian này thôi, chớ đã đụng vào thì dính với nó đến khi nào sếp thấy ngứa mắt quá kêu biến hoặc kêu qua làm product khác cho công ty. Nếu không thì cứ phải ngồi làm mãi. Nghe hơi chán rồi đúng ko? Đúng rồi, hồi làm BA đánh dự án này xong đánh dự án khác, xong cái nào là đi nhậu tập lự rồi reset lại để vào cái đống shit khác. Còn ở product người ta thường yêu cầu sự chung thủy, vậy nên ông nào hay nhảy nhót lúc làm BA thì đi phỏng vấn PO xác định sẽ bị hỏi :"Ủa sao chị thấy em nhảy việc nhiều vậy?" Tính dễ chán thì ko hợp làm Product đâu nha. Chưa kể 24/24 phải theo dõi động thái của đối thủ và thị trường, biến động là mình phải có chiến lược để phản ứng lại. Nghe là hơi mệt rồi đúng không? Có khứa Lazada vừa rồi thanh lý hợp đồng với cả mớ nhân viên mà còn gài điều khoản không được làm cho đối thủ nữa. Ác nhơn thật. Mà đó, thị trường cạnh tranh khốc liệt lắm, bất kỳ điều gì triệt hạ được hay giảm rủi ro thất bại là làm tất.
- Rồi cái cuối nha tới giờ ăn cơm rồi, về kĩ năng thì BA chuyển qua PO có lợi thế về kĩ năng mềm qua tận dụng được. Đều là dân phân tích nên chuyển qua oke nên đừng bi quan quá. Nói chung ngta sẽ thăm dò về mindset, nói chuyện vài câu là dân kì cựu sẽ nhận diện được "Sense" của bạn phù hợp làm gia công hay làm product thị trường liền. Ít nhiều nếu bạn có sẵn rồi hoặc bạn tiềm năng thì người ta vẫn nhận vào. Về việc làm PO loại gì như cái comment đầu tiên, bạn cần đọc kĩ qua JD, nếu có đề cập đến việc xác định pain point, research thị trường, vision, strategy, roadmap, partner, metric thì đó là business. Nếu đề cập đến release, development, backlog management, agile thì đó là delivery. Còn nếu full hết thì là Product theo kiểu toàn diện. Về title họ thường chỉ dùng mấy cái từ thế này "Product Owner" hoặc Product Manager hoặc Business owner. Nên đọc cho kĩ để biết người ta muốn gì và cần gì. Anyway BA chuyển sang PO là khả thi. Chúc các bạn chuyển việc thành công.
P/s: Thật ra bài này mình viết hồi trưa, từng đoạn của nó là từng cái comment về cái post có chủ đề tương tự nên mn đọc sẽ có cảm giác nó rời rạc. Chịu khó xíu nghen. Mình tổng hợp lại cho nó đỡ trôi. À còn thằng đệ trong cái hình bên dưới là mình dùng AI render ra cho vui thôi chớ thằng đệ này không hề tồn tại trên trái đất nha quý dị.
 

(Bản quyền bài viết thuộc về Quý Nguyễn - True Skill Center)

----------
Xem thêm thông tin bổ ích miễn phí và tham gia cộng đồng True Skill tại:
 
 
Facebook: True Skill Center 
 
 
Youtube: Quý Nguyễn 
à mình dùng AI render ra cho vui thôi chớ thằng đệ này không hề tồn tại trên trái đất nha quý dị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

ITBA

Tất Tần Tật Về Planning Poker

Planning Poker không chỉ là một phương pháp hiệu quả để ước lượng công việc, mà còn là công cụ xây dựng sự đồng thuận, cải thiện giao tiếp và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi lần thảo luận là một cơ hội để nhóm hiểu rõ hơn về công việc, từ đó tăng cường sự hợp tác và hiệu quả làm việc.

ITBA

Sự Thật Gây Sốc về Vai Trò Product Owner trong New World Of Work!

BẠN CÓ BIẾT RẰNG 66% CÁC TỔ CHỨC HIỆN NAY ĐANG GẶP KHÓ KHẮN LỚN TRONG VIỆC TIỀM KIẾM PRODUCT OWNER CÓ ĐỦ KỸ NĂNG CẦN THIẾT?

ITBA

[ Góc chia sẻ ] XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN NHƯ THẾ NÀO?

Bài viết này được viết hoàn toàn dựa trên trải nghiệm thực tế của bản thân và áp dụng hiệu quả trong cuộc sống của mình, hi vọng nó cũng giúp ích cho các bạn.

ITBA

Phương pháp MoSCoW là gì? Cách sử dụng Phương pháp MoSCoW như thế nào?

Trong bài viết dưới đây, True Skill sẽ giới thiệu cho bạn cách sử dụng phương pháp MoSCoW để ưu tiên các nhiệm vụ của dự án hiệu quả hơn và đảm bảo mọi người đều mong đợi những điều tương tự

Đăng kí nhận tư vấn

Hãy nhập ngay email của bạn vào form bên dưới để được nhận tư vấn trực tiếp từ trung tâm.